Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gỗ là thế mạnh của ngành nông nghiệp, trước đây không ai nghĩ xuất khẩu gỗ, lâm sản sẽ đạt con số 9-10 tỷ USD như hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời “đặt hàng” ngành nông nghiệp phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Đặc biệt, phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới.
“Công xưởng” sản xuất đồ gỗ của thế giới
Trên thực tế có thể thấy, với 9 tỷ USD xuất khẩu năm 2018, ngành gỗ và lâm sản đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, điều này nói lên rằng duy trì tăng trưởng ngành gỗ luôn mức 15%, là tiền đề cho phát triển trong tương lai.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam: “Lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam vượt doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ với giá trị xuất khẩu lần lượt là 5,3 tỷ chiếm 57% và khu vực FDI đạt 4 tỷ USD. Xuất khẩu đạt 9 tỷ USA nhưng nhập khẩu trên 2 tỷ chứng tỏ xuất siêu hơn 7 tỷ.”
Cùng với đó, cơ cấu phát triển các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã đồng đều 3 miền Bắc- Trung-Nam. “Nếu trước đây, nói đến lâm nghiệp chúng ta chỉ nói đến vùng duyên hải miền trung mà rất ít các tỉnh miền Bắc thì năm nay, các tỉnh phía Bắc cũng đã có tăng trưởng sản lượng gỗ và lâm sản ấn tượng”, ông Quyền chia sẻ.
Đồng thời, trong số sản lượng gỗ tiêu thụ trong nước thì nguồn cung cấp từ miền Bắc cung cấp 70% gỗ rừng trồng. Đó là điều vô cùng ấn tượng. Chiếm 90% sản xuất tiêu dùng người Việt, các làng nghề miền bắc cung cấp chính cho tiêu dùng cả nước.
Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có cơ sở chế biến gỗ sử dụng công nghệ cao ở vùng sâu vùng xa và vùng núi phía Bắc, ví dụ Hà Giang vừa khánh thành nhà máy giống công nghệ cao, cung cấp 10 triệu cây mỗi năm. Tuyên quang có nhà máy chế biến xẻ gỗ tự động 100%, đó là những điều đánh giá cao.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam khẳng định, nếu có chích sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp thì Việt Nam có thể trở thành “công xưởng” sản xuất gỗ của thế giới.
Giải pháp căn cơ: Không dùng gỗ bất hợp pháp
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế của lâm nghiệp như quy mô sản xuất rừng trồng, vấn đề nguyên liệu gỗ, thách thức gỗ hợp pháp mà đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ vào lâm nghiệp. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Khó nhất hiện nay là tư duy sản xuất gia đình, nhỏ lẻ, gia công sản phẩm mà chưa chuyên môn hoá sản xuất. Vấn đề chuyên môn hoá này các nước đã làm rất tốt, đơn cử như các doanh nghiệp FDI từ Đài Loan, Trung Quốc làm rất tốt việc chuyên môn hoá trong sản xuất và chế biến gỗ, lâm sản”.
Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời hiện thực từng bước mục tiêu Thủ tướng đề ra cho ngành, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị, Chính phủ quan tâm hơn nữa vấn đề nguyên liệu. “Thủ tướng đặt mục tiêu năm 2025 ngành lâm nghiệp đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nếu muốn đạt được như vậy thì quan tâm vấn đề cung cấp nguyên liệu, nếu không có 60 triệu m3 gỗ thì khó đạt 20 tỷ USD như mục tiêu đề ra, trong đó, gỗ trong nước là 50 triệu m3 và gỗ nhập khẩu là 10 triệu m3”, ông Quyền phân tích.
Trong khi đó, diện tích trồng rừng trong nước đã hạn chế và thậm chí đã hết. Tính hết tất cả quỹ đất cũng chỉ có 5 triệu ha rừng, trong 5 triệu ha rừng, có khoảng 3,5 triệu ha rừng sản xuất, trồng rừng năng suất cao thì 1 năm tối đa khai thác đc 50-100 nghìn m3.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhấn mạnh: “Phải trồng rừng. Chúng ta không còn đất đai mở rộng nên phải trồng rừng theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng”.
Dưới góc nhìn của các nhà nhập khẩu, bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đây là thời điểm tốt cho ngành chế biến gỗ Việt Nam đánh dấu bằng cam kết của Chính phủ khi tham gia cùng EU trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến này sẽ sớm đạt được khi EU và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định VPA (Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản). “Việc thực thi Hiệp định VPA sẽ thúc đẩy thương mại gỗ vào EU. Như Indonesia là quốc gia đầu tiên được bước cấp giấy phép VPA vào tháng 11/2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép, với giá trị trên 1,2 tỷ USD đã được xuất khẩu sang EU”, bà Axelle Nicaise cho hay. Vì vậy, để có nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp bền vững, các doanh nghiệp hiện cũng đã bước đầu hợp tác với nông dân để trồng rừng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, phải phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025.
Trong khi đó, Chuyên gia tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho rằng, để giải quyết vấn đề cốt lõi nhất là tăng được năng suất trong ngành gỗ cần phải thay đổi từ các yếu tố bên ngoài và các yếu tố nội tại doanh nghiệp. Trong đó, cần nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng thương hiệu, nâng cao tay nghề cho người lao động, thay đổi công nghệ, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị.
“Năng suất lao động trong ngành gỗ tại Ý cao hơn 500 lần lao động tại Việt Nam. Ngành công nghiệp gỗ xuất khẩu Ý thấp hơn Việt Nam nhưng họ rất mạnh, mạnh ở đây là giá trị gia tăng trong sản phẩm cực kỳ lớn. Đó là lao động chất lượng cao, thiết kế mẫu mã, công nghệ, họ không bán sản phẩm riêng lẻ mà họ bán không gian nội thất”, ông Tô Xuân Phúc cho biết thêm, đồng thời khuyến nghị, Việt Nam nên quan tâm đến mô hình phát triển tương tự.
Visitor Rating: 5 Stars